Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

BÀI VIẾT VỀ MĨ THUẬT - Lột xác mỹ thuật Việt Nam - Chờ đến bao giờ? Aug 16, '07 12:59 PM for everyone

Các sự kiện có liên quan đến cuộc khủng hoảng sáng tạo mỹ thuật

Mỹ thuật Việt Nam gần đây có 3 sự kiện được đưa lên diễn đàn (hệ thống truyền hình VTV hoặc các hội thảo cấp nhà nước) rất đáng chú ý, có liên quan mật thiết đến cuộc khủng hoảng sáng tạo mỹ thuật hiện đang diễn ra:

1. Toạ đàm về việc Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2005 cho một tranh sao chép theo một tác phẩm của một hoạ sĩ Liên Xô cũ (VTV)

2. Tọa đàm về thực trạng tranh giả và tranh chép đang hoành hành thị trường mỹ thuật Việt Nam (VTV)

3. Hội thảo “Ðiêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại” tại Viện Mỹ thuật Hà Nội (5/2006).

Thông qua 3 sự kiện này và khá nhiều bài viết về mỹ thuật trên các báo trong nước từ nhiều năm qua, mỹ thuật Việt Nam đang bộc lộ toàn bộ tình trạng “rơi tự do” xuống vực phá sản sáng tạo.

Tình trạng hoang mạc hoá cánh đồng nghệ thuật tạo hình của nước nhà hiện nay không còn là dự báo sớm mà nó đã xâm hại tới giới hạn không được phép. Nếu sự thật này không đúng như vậy, tại sao nhà phê bình Nguyễn Quân đã phải lên tiếng liên tiếp trong hai hội thảo cấp quốc gia (hội thảo của ngành lý luận phê bình, tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2006 và hội thảo “Ðiêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại” vừa mới kết thúc cũng tại Hà Nội), với cùng một nội dung mang ý nghĩa khuyến cáo giới hữu trách lãnh vực văn hoá nên ngừng việc xây dựng tượng đài trên toàn quốc cho đến năm 2020. Riêng hội hoạ, tệ trạng làm tranh giả và tổ chức sản xuất, tiêu thụ tranh chép đang ngày càng bành trướng, thậm chí thực tế này đã làm các phòng triển lãm sáng tác đầy tâm huyết nghệ thuật của những họa sĩ đích thực biến mất và tranh chép hoặc tranh nhái đã nghiễm nhiên trở thành bộ mặt chính của mỹ thuật nước nhà. Thực trạng này cho thấy hệ thống mỹ thuật Việt Nam hiện nay là tác giả của bức tranh toàn cảnh ảm đạm của sáng tạo mỹ thuật nước nhà.


Ðổi mới hệ thống mỹ thuật – Một yêu cầu bức thiết

Ngưng thực hiện tượng đài đến năm 2020? - Không thể, không thể! Chúng ta vẫn phải tiếp tục làm tượng đài, còn hay hay dở gì hãy để cho con cháu chúng ta phán xét! Ðó là phản ứng của nhà điêu khắc Phan Gia Hương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả của hằng chục tượng đài - cũng là phản ứng có tính đại diện cho nhiều tác giả của các pho tượng đang cho thấy bộ mặt nghèo nàn và độc tuyến của điêu khắc Việt Nam. Sự phản ứng ấy của họ trước một đề nghị có nguy cơ làm hỏng những cuộc làm ăn béo bở được che đậy dưới ô dù “tôn vinh lịch sử” từ hằng chục năm qua là tất yếu. Và thế là họ đã rơi ngay vào cái liệu pháp gây “sốc” của nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân.


Tượng đài Lê Lợi, Thanh Hoá, 2004 Tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, 2004 Tượng đài Công nhân Việt Nam, Hà Nội, 2005

Thực ra, đề nghị ấy của Nguyễn Quân hàm chứa một giá trị tích cực, có tầm chiến lược không chỉ cho riêng bộ môn điêu khắc ngoài trời và không gian mỹ thuật đô thị mà cho cả môi trường sáng tạo hội họa. Việc tổ chức lại tốt hơn hệ thống mỹ thuật Việt Nam không thể chờ đợi lâu hơn được nữa và cần có một sự phục sinh trở lại không khí sáng tạo sống động mà các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã từng có những thời kỳ đẹp đẽ trước khi nền-mỹ-thuật-thị-trường-cơ-hội bắt đầu thao túng kể từ năm 1995. Nguyễn Quân đưa ra cái cột mốc 2020 như một điều kiện cần và đủ cho một cuộc lột xác nghiêm túc, một cái dừng để lấy khoảng lùi cực kỳ cần thiết cho giới mỹ thuật Việt Nam có điều kiện nhìn lại bao quát toàn bộ những gì đã tạo ra sự suy nhược ngày càng trầm trọng của con đường sáng tạo của mình. Ðây là một trong những việc làm mà ở các trường mỹ thuật thường dạy cho sinh viên phải áp dụng thường xuyên để nhìn rõ hơn cái đúng và sai của bản vẽ đối với người mẫu hoặc phong cảnh. Trong cuộc sống cũng vậy, lấy khoảng lùi đủ để nhìn lại toàn bộ việc làm, để kịp điều chỉnh những nhầm lẫn luôn luôn là điều cần thiết.

Việt Nam đã trải qua 30 năm hoà bình và đang đứng trước một thời đại mới - thời hội nhập, mỹ thuật Việt Nam sao vẫn còn là một đứa con sống dựa vào bầu vú của nhà nước mặc dù nay tuổi đã già? Sự rút tỉa này cùng với những tệ nạn rút tỉa khác không chỉ đang làm suy yếu nghiêm trọng cho sức khoẻ của bà mẹ Việt Nam, mà bản thân chứng “rối loạn tiêu hoá” cũng ngày càng hết thuốc chữa. Tất nhiên việc “cai sữa” cho một “con nghiện” không bao giờ là dễ dàng, cũng như không có cuộc đại phẫu nào là không gây ra đau đớn cho bệnh nhân và những mối liên hệ thân thuộc chằng chịt của họ, nhưng vì sự lựa chọn cho tương lai, cho các thế hệ nghệ sĩ tạo hình trẻ Việt Nam, phục sinh lại đường băng cho những giấc mơ sáng tạo cất cánh, mỹ thuật Việt Nam nhất thiết phải “cải tổ” lại mình.


Tầm nhìn mới cho hệ thống mỹ thuật Việt Nam

Việc cải tổ hệ thống mỹ thuật Việt Nam cần được tiến hành một cách thận trọng, có chiều sâu, dựa trên kinh nghiệm của các hệ thống mỹ thuật mạnh trên thế giới. Có thể thấy rõ những điểm cốt yếu cần phải được thực hiện ngay cho mỹ thuật Việt Nam hiện nay:

* Trước hết nên coi Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện nay là một hội nghiệp đoàn, hoạt động trên danh nghĩa và quyền lợi như các hội nghề nghiệp khác.

* Tái lập lại Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam thành một tổ chức dành cho những nghệ sĩ theo đuổi sự nghiệp sáng tạo, nơi hội tụ có chọn lựa và tự nguyện của những nghệ sĩ tài năng nhất của đất nước trên nguyên tắc phi chính trị và xã hội hoá hoàn toàn.

* Giải tán ngay các hội đồng nghệ thuật mang tính cơ cấu.

* Bộ Văn hoá và Thông tin không nên coi nhiếp ảnh như một ngành lớn ngang với mỹ thuật khi lập ra Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh nước ta thực chất chỉ ở mới đang ở dạng phong trào và hoạt động mạnh về mặt dịch vụ, chưa có hệ thống trường qui; ngôn ngữ nhiếp ảnh đơn điệu, lạc hậu, dù có gặt hái được một số giải thưởng quốc tế (những giải thưởng này thường do tác động bởi sự tài trợ của các công ty sản xuất phim và máy ảnh). Nên trả nhiếp ảnh về đúng vị trí của nó là một bộ môn trong hệ thống mỹ thuật Việt Nam.

* Tách Viện Mỹ thuật ra khỏi Trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội, nâng cấp thành một viện chính thống có chức năng độc lập nghiên cứu chuyên sâu các lãnh vực mỹ thuật (hiện Viện Mỹ thuật chỉ là một phòng ban của Trường Ðại học Mỹ thuật).

* Sau cùng và quan trọng hơn cả là phải thành lập một Ủy ban Mỹ thuật Quốc gia, có quyền hạn ngang bộ, trực thuộc chính phủ, nhằm tư vấn cho chính phủ các chiến lược phát triển mỹ thuật đất nước và vạch ra những bất cập cần phải điều chỉnh bằng những giải pháp tốt nhất. Uỷ ban Mỹ thuật Quốc gia soạn thảo để chính phủ ban hành các định chế nhằm chuyên môn hoá và pháp luật hoá các hoạt động mỹ thuật trên cả bốn mặt: đào tạo, thị trường, phát triển hệ thống bảo tàng và nuôi dưỡng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Chỉ có Ủy ban Mỹ thuật Quốc gia mới là người tổ chức các triển lãm toàn quốc thường niên, lưỡng niên (hoặc tam niên), ngũ niên, quốc tế và thành lập các hội đồng giám khảo cho các cuộc triển lãm ấy.

Cải tổ lại hệ thống mỹ thuật Việt Nam ngay bây giờ trên thực tế nội tại của những nhà hữu trách là một điều không tưởng, nhưng trước thực trạng “sạt lở” nghiêm trọng này của mỹ thuật Việt Nam, chúng ta lại cứ mãi mũ ni che tai thì không khác chi kẻ tòng phạm dưới mắt của những thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét